Cuộc sống game thủ không còn là chuyện riêng, mà đã trở thành vấn đề xã hội. Bài viết này không biện hộ cho kẻ sa ngã, chỉ xin cung cấp một cái nhìn chân thật về hoàn cảnh sống cũng như những điều kiện sinh hoạt, lao động của giới progamer Hàn Quốc.
Tóm tắt
Scandal thả độ động trời có sự dính líu của một loạt tên tuổi quen thuộc trong StarCraft Hàn đã được đưa ra ánh sáng ngày 16/05. Những progamer trên, trong đó có cả sAviOr huyền thoại, giờ đây đang phải hứng chịu một làn sóng phẫn nộ từ dư luận vì đã bán rẻ chính mình, làm ô uế tinh thần thể thao. Tuy nhiên, dường như chưa ai chỉ ra được điều gì đã lôi kéo họ vào con đường tội lỗi. Chúng ta chỉ biết công kích họ và cố chấp không công nhận progaming là lao động kiếm sống, mà không hay biết gì về hoàn cảnh khó khăn của họ…
Giới thiệu
Tôi không biết phải mở đầu câu chuyện từ đâu. Trước hết, tôi là một fan kỳ cựu của eSports. Thứ hai, tôi là thành viên Đảng Tiến bộ Hàn Quốc, nhưng tôi đoán cái tên này còn khá xa lạ với nhiều người. Từ lâu nay, cuộc sống của những progamer đã luôn là một chủ đề nhạy cảm. Đảng Tiến bộ đã nhiều lần đưa chuyện này ra thảo luận nhưng đều gặp sự phản đối từ cả game thủ lẫn các fan, cho rằng chúng tôi không hiểu gì về vấn đề đó.
Cuộc nói chuyện sau đây diễn ra vào tối thứ bảy 15/05/2010, một ngày trước khi công khai kết quả điều tra. Xin được giấu tên những người tham gia phỏng vấn: Đại biểu Đảng Tiến bộ Noh, chuyên gia chính trị Hong, phóng viên eSports Kim và một progamer tên “A”.
Sau khi vụ việc thả độ bị lôi ra ánh sáng, dư luận bắt đầu chĩa mũi nhọn vào sAviOr.
StarCraft Hàn: cuộc đấu tranh sinh tồn
Người viết: Anh đã đọc Mookhyang chưa? (một tiểu thuyết võ hiệp Hàn Quốc nổi tiếng)
A: Rồi.
A trả lời nhanh hơn tôi nghĩ. Cũng phải thôi vì chúng tôi khác nghề nhưng sinh cùng thời.
Người viết: Trong truyện, nhân vật chính được rèn luyện võ công từ nhỏ bên các bạn đồng môn. Nhiều năm trôi qua và họ lần lượt bị đào thải khỏi giang hồ… chỉ mình anh ta vẫn trụ lại, và thậm chí công phu còn tiến triển hàng ngày. Tôi nghĩ võ đài StarCraft Hàn cũng giống vậy. Xin hỏi anh, từ khi ra mắt đến bây giờ, anh có những suy nghĩ gì về cuộc sống của các progamer, trong đó có anh và cả những người bạn đã bị đào thải khi anh bước trên con đường vinh quang?
A: Trước tiên tôi muốn nói về mâu thuẫn với các bậc sinh thành. Boxer kể rằng khi xưa cha mẹ anh không hề hay biết con mình chơi StarCraft. Hồi đó eSports còn chưa lên sóng và progamer đơn thuần chỉ là người chơi game kiếm tiền, không hơn. Dễ thấy vì sao Boxer phải giấu giếm như vậy. Trái lại, game thủ số một bây giờ là Flash đã công khai thuyết phục cha mẹ cho mình đi chuyên nghiệp. Ở thời của Flash, kiếm hàng trăm nghìn đô từ chơi game là tấm gương để toàn xã hội noi theo.
A không là ngoại lệ. Cha mẹ anh ban đầu cũng không cho phép con họ go pro vì lo sợ một tương lai quá mờ nhạt, và A hiểu suy nghĩ của họ: “Có cha mẹ nào muốn con cái mình sống khổ? Mà cuộc đời game thủ thì bấp bênh…”. Phải sau mấy tháng cân nhắc hai người mới cho A gia nhập một team để theo đuổi mơ ước của mình.
Đó là câu chuyện của A, một người đi trước. Còn ngày nay, người ta luôn sẵn sàng dành hàng ngàn giờ trong các clan gây quan hệ, hy vọng một ngày kia được cho một bài kiểm tra năng lực để chứng tỏ khả năng với team. Dù chưa đến đôi mươi, bạn đã phải nhanh chân nếu muốn có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. “Ít nhất phải hơn 10 tuổi, còn 20 tuổi là giới hạn” - A nói.
Cuộc sống thường nhật và thời gian tập luyện
Gia nhập team rồi, A bắt đầu cuộc sống mới với các đồng đội. Những năm tháng đầu của anh không hề dễ chịu vì thời này chưa hề có những công ty, tập đoàn lớn luôn sẵn sàng đổ hàng triệu đô tài trợ vào các team. “Hơn 10 người chung nhau một căn nhà. Không có phòng ăn. Phòng khách có tầm 10 máy tính và phòng ngủ chỉ có đôi ba cái giường tầng. Khi không đủ giường chúng tôi phải ngủ cả trên sàn…”. Nhân sự team cũng hay thay đổi. Nhiểu người ra đi, nhiều người vào đội. Một số khác nhập ngũ, từ bỏ hay rời team để đi học. Tất nhiên cũng có vài người bị khai trừ vì quá kém. Đến tận bây giờ, lính mới vẫn đến và đi thường xuyên, một cách thầm lặng.
Thời gian trôi qua. Nhà cửa dần dần cải thiện. Các ông lớn bắt đầu để ý đến eSports. Các tập đoàn lớn tăng cường chuyển nhượng game thủ, và các team nhận tập luyện với nhiều người hơn nhằm tìm kiếm tài năng mới.
Người viết: Trong team có thứ bậc rõ ràng không? Chắc là phải có vì toàn anh em con trai với nhau.
A: Không. Có người trẻ hơn, có người già hơn, nhưng thứ bậc trên dưới không nghiêm lắm.
Hong hỏi về thời gian tập luyện mỗi ngày. Game thủ sinh hoạt khác hẳn với chúng ta. Họ dậy lúc 10 giờ, ăn sáng muộn và lao động cả ngày cho đến tối mịt. Xem phim tài liệu Old Boy của Nal_rA, bạn sẽ để ý rằng team SPARKYZ ăn trưa vào 4 giờ chiều. Tôi đoán họ chủ ý đặt đồng hồ sinh học như vậy để đạt trạng thái tinh thần tối ưu đúng vào buổi chiều, lúc các giải đấu diễn ra.
Điều kiện luyện tập của các game thủ vô cùng khắt khe.
Tổng thời gian tập luyện mỗi ngày của một thành viên (không kể giải lao, ăn uống) là 11 tiếng rưỡi với nhóm A và 13 tiếng rưỡi với nhóm B. Bằng mọi giá phải tập đủ. Muốn nghỉ phải có lý do chính đáng. Hồi trước, một thành viên bỏ tập đi xem Beyonce biểu diễn đúng vào một ngày tệ hại của team. Anh ta sau đó bị phạt nặng và bị đẩy xuống nhóm B, rồi kẹt lại ở đây cho đến khi về hưu.
Gần như không có ngày nghỉ. Phải tập cả thứ bảy, chủ nhật vì cuối tuần cũng có giải. Ví dụ, lịch làm việc của hai team MBCGame và OGN thường kín đặc: trong năm, chỉ có duy nhất một tháng không đấu giải. Về sau khoảng thời gian đấy còn thu hẹp nữa. Mọi thành viên đều khó chịu, nhưng không biết nói ra kiểu gì.
Kim: KeSPA về bản chất là do các nhà tài trợ dựng lên. Vì eSports cho họ cơ hội quảng cáo, họ luôn cố gắng chi tiền để lấp đầy một năm bằng các giải đấu. KeSPA trên thực tế chưa bao giờ phải tự chi tiền cho giải.
Cuộc sống game thủ qua màn ảnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác trông thật xa hoa. Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ bề ngoài này là cả một sự bức bí, ngột ngạt không biết phải kể với ai.
(Còn tiếp)