Trong phần một của loạt bài Sự thật đằng sau ánh hào quang của làng eSports Hàn Quốc (Phần 1), chúng ta đã phần nào hình dung được phần nào cuộc sống và điều kiện luyện tập của các game thủ Hàn Quốc. Và hôm nay, trong phần tiếp theo này, hãy cùng tìm hiểu thêm về chế độ lương và những quyền lợi khác bên cạnh đó.
Về chuyện bản quyền của game thủ
Hong nêu ra vấn đề về bản quyền các replay. Nếu có những quy định nghiêm ngặt về replay thì KeSPA đã chẳng dám tự tiện tăng số giải đấu. Ví dụ: Nếu đài truyền hình phát sóng một bộ phim, họ phải trả tiền bản quyền cho nhà sản xuất; nếu một nhạc sĩ sáng tác ra một bài hát, bài hát đó là của anh ta và anh ta được bảo vệ quyền tác giả. Theo nguyên tắc, quyền lợi trên cũng phải được đảm bảo đối với replay, tức sản phẩm trí tuệ của game thủ.
Chuyện về replay thì không hề giản đơn. Những VOD chiếu trên TV Hàn Quốc không chỉ là replay các trận đánh mà còn bao gồm cả lời bình luận viên và quan điểm của các chuyên gia. Tổng cộng có tới 3 bên liên quan tới việc phát sóng replay: Blizzard, game thủ và nhà đài.
Trên thực tế, các trận đấu đang thuộc sở hữu nhà đài và quyền lợi game thủ đang bị thao túng bởi KeSPA, cánh tay của các nhà tài trợ. Blizzard thì đang quá bận bịu với âm mưu dựa vào StarCraft II để đòi chia phần trong eSports Hàn. KeSPA và Blizzard đánh nhau, chỉ có game thủ - những người không có tiếng nói gì - là chịu thiệt.
Nếu người ta chịu tôn trọng sở hữu trí tuệ của game thủ thì đã khác, nhưng thật éo le, nghề progaming vẫn chưa được số đông nhìn nhận là lao động kiếm sống. Noh bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng lao động khổ sở của game thủ. Ông nghĩ rằng tốt nhất, progamer nên ký hợp đồng lao động với các ông chủ. Tuy nhiên, khi đó sẽ nảy sinh vấn đề về lao động tuổi vị thành niên. Luật pháp cấm bóc lột sức lao động của trẻ em dưới 15 tuổi, trong khi đó, phần lớn progamer danh tiếng thường ra mắt khi họ còn chưa đến 15-16. Cá biệt, Baby từ WeMade FOX xuất hiện từ 13 tuổi. Ký hợp đồng lao động với những đứa trẻ này là phạm pháp.
Game thủ từ 15 tuổi trở lên thì có thể lập hợp đồng lao động, nhưng khi đó họ sẽ không thể tập luyện đủ giờ nữa vì luật lao động Hàn Quốc không cho thiếu niên 15-17 tuổi làm đêm. Noh nói: “Hồi xưa ở một nước châu Âu, người ta dựng một vở nhạc kịch trong đó yêu cầu sự góp mặt của một diễn viên nhí. Thế nhưng, bé gái được chọn vẫn còn quá nhỏ để làm việc trên sân khấu. Người ta sau đó cãi nhau về chuyện này và cuộc cãi vã lan ra cả nước. Lao động tuổi vị thành niên rõ ràng là mối quan tâm của toàn xã hội”.
Bên cạnh đó là vấn đề lương bổng của game thủ. Luật pháp Hàn Quốc quy định lương tối thiểu đối với mọi ngành nghề là 4,110 won (xấp xỉ 3.60 USD) mỗi giờ. Làm việc nặng nhọc 44 giờ một tuần thì lương tháng tối thiểu là 928,860 won (khoảng 820 USD). Trong trường hợp của progamer, anh ta phải tập đủ 60-75 tiếng trong tuần, và tập thêm một nửa số giờ này vào đêm khuya cộng thứ bảy, chủ nhật. Lương làm thêm giờ tối thiểu, theo luật, phải nhiều gấp rưỡi lương tối thiểu ban ngày nên vào đêm khuya và cuối tuần, game thủ phải được trả ít nhất 6165 won (xấp xỉ 5.40 USD) một giờ.
Coi như mỗi progamer tập ít nhất 60 giờ/tuần, và chỉ một nửa trong số họ làm thêm giờ, nhà tài trợ phải trả họ ít nhất 308,250 won/tuần (270 USD), tương đương 1,339,345 won/tháng (1,180 USD) và 16,072,155 won/năm (14,000 USD). Chia theo hai nhóm A-B của team, lương tối thiểu với thành viên nhóm A là 16 triệu won/năm, và nhóm B là 20 triệu won/năm (17,600 USD).
Những con số lý thuyết này chứng minh game thủ phải làm việc căng thẳng như thế nào. Nếu áp dụng luật trên vào progaming, chúng ta sẽ cải thiện sâu sắc đời sống game thủ… nhưng mặt khác, chi phí cho mỗi team sẽ tăng vọt, số công ty muốn bỏ tiền tài trợ sẽ giảm hẳn, một loạt team sẽ tan rã, và rất nhiều progamer sẽ phải bỏ nghề.
Hiện thực là thế. Thành viên nhóm B có nhà để ở thật, nhưng lương bổng thì không. Họ còn chẳng ký tên vào cái gì khi vào team. Họ có bất mãn mà ra đi vẫn có một rổ những người khác sẵn sàng thế chỗ họ. Các team lớn thì có ưu đãi họ hơn một chút, nhưng số tiền vẫn chưa thể tương xứng: 500,000 won (440 USD) một tháng.
Với game thủ tham gia các giải proleague thì sao? Đến đây mới có hợp đồng, nhưng không phải hợp đồng lao động… mà hợp đồng dân sự. Kể cả khi đã ký hợp đồng, lương của họ vẫn chỉ dao động quanh mức 10 triệu won/năm, và không bao giờ vượt quá 20 triệu won/năm. Trái lại, trên đỉnh cao danh vọng là một số cực kỳ ít những “siêu sao” với tiền lương lên đến trên 200 triệu won/năm. Cũng có game thủ nằm giữa khoảng này, nhưng số lượng họ thì khó đoán. Các team thường giữ kín chuyện lương bổng. Như A chẳng hạn: anh còn chẳng biết đồng đội được trả bao nhiêu tiền một năm.
Hong tò mò hỏi trong hợp đồng dân sự có ghi rõ số giờ tập luyện không. A trả lời không có. Hong ngạc nhiên vì nếu muốn bắt buộc làm đủ số giờ mỗi ngày, các nhà tài trợ phải lập hợp đồng lao động chứ không phải hợp đồng dân sự. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Ký một hợp đồng dân sự trong đó không ghi điều khoản ràng buộc về số giờ tập luyện, các công ty, tập đoàn có thể đơn phương hủy bỏ hợp đồng bất cứ lúc nào. Dần dần, họ dùng quyền lợi này ép game thủ làm theo ý mình. Nói cách khác, nhà tài trợ biết phần lớn progamer chưa đủ tuổi để lập hợp đồng lao động, và lợi dụng điều này để bóc lột game thủ.
Mặc dầu StarCraft là thi đấu tay đôi, KeSPA bắt một game thủ phải ở trong team nếu muốn có chân ở vòng loại. Các nhà tài trợ đã dồn ép game thủ vào các team bằng quy định này, nhằm bóc lột cả sức lao động lẫn trí óc của họ. Tệ hơn, một khi đã dấn sâu vào eSports, game thủ còn không biết đi đâu, về đâu khi ra ngoài. Đã bị tước hết các quyền, ít ra họ cũng nên được đảm bảo về tương lai của mình, nhưng không.
“Kế hoạch trong tương lai? Đó là vấn đề lớn nhất của tôi lúc này”
Nghĩa vụ quân sự có lẽ là nỗi lo hàng đầu với đa số progamer. Nhiều game thủ nhóm B đã bỏ cuộc để nhập ngũ, còn những cái tên lớn hơn thì đăng ký vào đại học để câu giờ. Boxer thậm chí còn đi lấy bằng cao học để trì hoãn, và trong quân ngũ thì thành lập Air Force ACE để chơi tiếp.
Một trong những nơi nương náu trước lúc tòng quân đối với game thủ là Trường Đại học Vi tính Hàn Quốc KCU - Korean Cyber University - một trường đại học online. Họ học hành ở đây như thế nào? “Chúng tôi không hay nghe giảng, thường xuyên phải bỏ học để đi tập, chỉ ôn bài trước lúc kiểm tra và trả bài qua mạng”. Họ muốn học cũng chẳng có thời gian mà học: “Nếu cho tôi chỉ vài ba giờ mỗi ngày để học thôi thì tôi đã học được rất nhiều rồi…”.
Khi được hỏi, A bộc bạch rằng anh đã lo lắng về chuyện này từ lâu rồi. Những đồng nghiệp đã nghỉ hưu của anh bây giờ đang ở đâu, làm gì? “Kỹ năng chơi game không mấy hữu ích với họ trong cuộc sống. Phần lớn đi làm huấn luyện viên hoặc nhân viên các kênh eSports. Một số đi học tiếp ở nhà hay đi du học. Những người còn lại thì không may mắn lắm”. Tôi xin anh giải thích về những người không may mắn lắm. “Họ thất nghiệp, và trở thành người thừa của xã hội” - anh nói ngắn gọn.
Một cánh cửa khác có lẽ là StarCraft II. Tuy nhiên, khác với StarCraft, StarCraft II đã được Blizzard thiết kế dành riêng cho eSports. StarCraft còn có mạng LAN cứu cánh, nhưng với StarCraft II, muốn chơi online với người khác, bạn chỉ còn đường log in vào Battle.net.
KeSPA đã thương lượng 3 năm ròng với Blizzard về StarCraft II nhưng vô hiệu. Blizzard không cho game thủ StarCraft chơi StarCraft II. Hong nói: “Họ viện cớ gì mà dám ngăn cản progamer tìm đến StarCraft II? Chỉ là game thôi chứ có gì nghiêm trọng đâu”. A trả lời: “Làm sao tôi biết được”.
StarCraft II hiện đã ngừng hoạt động beta để tu sửa lần cuối trước khi xuất xưởng. “Tôi nghĩ sẽ có rắc rối nếu Blizzard quá cứng đầu không cho chúng tôi tiếp cận bản chính thức. Giống như hồi StarCraft vừa xuất hiện, một số người sẽ chuyển sang StarCraft II một khi người ta tổ chức giải đấu về nó… StarCraft II cũng na ná StarCraft. Những ai thành thục StarCraft rồi thì cũng sẽ chơi giỏi StarCraft II. Mới là bản beta thôi mà StarCraft II đã có những giải tầm cỡ quốc tế. Hiện nay rất nhiều game thủ về hưu đang tìm đến với StarCraft II”.
(Còn tiếp...)